Giới chức Anh nói biến chủng nCoV BA.2.86, còn gọi Pirola, với các đột biến khác thường, đang lan rộng tại nước này và nhiều quốc gia trên thế giới.
Vài ngày qua, giới chức y tế công cộng đã ghi nhận một ca nhiễm BA.2.86 ở Mỹ, một ca ở Israel, 6 ca nhiễm ở Anh và ba trường hợp ở Đan Mạch. Trên thực tế, các nhà khoa học cho rằng số ca nhiễm có thể nhiều hơn, nhưng do hạn chế về giải trình tự gene virus nên số ca ghi nhận chính thức chưa tương xứng.
Bệnh nhân đầu tiên tại Anh không rõ danh tính, đang điều trị tại một bệnh viện ở London. Người này chưa từng rời khỏi đất nước, không lây bệnh từ nước ngoài. Số khu vực có đợt lây nhiễm ở Anh tăng gấp đôi sau hai tuần. Gần 600 quận đã báo cáo các cụm lây nhiễm, tính đến ngày 12/8, tăng so với con số 270 của tuần trước đó. Số ca nhập viện cũng tăng mạnh, làm dấy lên lo ngại Anh đang đứng trước làn sóng dịch bệnh mới, khi đất nước bước vào mùa thu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa khẳng định BA.2.86 là nguyên nhân. Biến chủng này xuất hiện cùng thời điểm với chủng phụ khác là Eris, cũng có nhiều đột biến.
UKHSA cho biết các nhà khoa học bắt đầu chú ý đến BA.2.86 từ tuần trước, có "khả năng lây truyền quốc tế". Tiến sĩ Scott Gottlieb, nguyên giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng cảnh báo biến chủng mới là loại virus "đột biến cao", có khả năng thoát khỏi hàng rào miễn dịch của những người đã được tiêm phòng hoặc nhiễm bệnh tốt hơn biến chủng khác.
"Nói một cách dễ hiểu, biến chủng này khác về mặt di truyền với Omicron, cũng như Omicron khác với chủng ban đầu ở Vũ Hán, vì virus này có độ biến đổi cao", ông Scott cho hay.
Dù vậy, giới chuyên gia chia thành nhiều luồng ý kiến khi nhận định về BA.2.86, vì hàng loạt đột biến mới, song chủ yếu nhận định nó có nguồn gốc từ BA.2 đã ngừng lưu hành vào khoảng tháng 7/2022.
Một số chuyên gia cho rằng đây là chủng phụ "đáng chú ý nhất" sinh ra kể từ khi Omicron xuất hiện vào mùa đông năm 2021, khiến số ca nhiễm tăng vọt. Các xét nghiệm cho thấy nó sở hữu 30 đột biến độc nhất trong protein gai, phần virus bám vào tế bào người để lây nhiễm. Đây cũng chính là phần vaccine nhắm tới để đẩy lùi virus. Một số đột biến có thể làm giảm tác dụng của vaccine.
Mặt khác, một số chuyên gia cảnh báo vẫn còn quá sớm để lo lắng. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy Pirola là mối đe dọa lớn hơn so với hàng chục biến chủng phụ trước đó.
Hàng rào miễn dịch được xây dựng thông qua việc triển khai vaccine và các đợt lây nhiễm trước đó khiến virus bớt nguy hiểm, cho phép xã hội điều trị Covid-19 như bệnh cúm mùa mà không cần áp dụng các hạn chế thời đại dịch.
Tuy nhiên, BA.2.86 xuất hiện trong bối cảnh số ca nhiễm tăng đột biến, làm dấy lên lo ngại về làn sóng Covid-19 mới vào những tuần tới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết họ đang theo dõi chủng virus này. Vì BA.2.86 còn quá mới, các chuyên gia chưa thể tìm hiểu về triệu chứng đặc trưng. CDC cho biết người dân cần bảo vệ bản thân bằng các phương pháp quen thuộc đã sử dụng trong ba năm đại dịch. Biến chủng mới có thể mang biểu hiện của Omicron như chảy nước mũi, ngạt mũi, đau đầu, mệt mỏi, hắt xì, đau họng, ho.
Theo đề xuất của CDC, những người có kết quả dương tính nCoV có thể cách ly tại nhà, mở cửa thông gió, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người khác, theo dõi các triệu chứng và giữ liên lạc với trạm y tế địa phương. Người có nguy cơ chuyển nặng cần nhập viện và nên uống thuốc kháng virus sớm.
Chủng Omicron xuất hiện trên thế giới đã hơn 20 tháng, hiện lưu hành ở hầu hết các nước và chiếm ưu thế. Chủng này liên tục biến đổi. Đến nay các nhà khoa học ghi nhận hơn 500 biến chủng phụ của Omicron, đều có đặc tính lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.
* NGUỒN: https://vnexpress.net/bien-chung-ncov-moi-nguy-co-lay-lan-nhanh-toan-cau-4645387.html