Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 14/8, toàn thành phố ghi nhận 3.512 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 76%).
Bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 500-600 trường hợp mắc. Số mắc tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 (753 ca mắc, 0 ca tử vong).
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thạch Thất (537); Thanh Trì (342); Hoàng Mai (282); Bắc Từ Liêm (266); Hà Đông (206)…
Qua kết quả kiểm tra, giám sát của ngành y tế cho thấy về cơ bản dịch sốt xuất huyết không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu tại các địa bàn, để sót nhiều ổ bọ gậy, chỉ số bọ gậy sau xử lý đều cao vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến lây lan, bùng phát kéo dài.
Toàn thành phố đã ghi nhận 255 ổ dịch, trong đó, hiện còn 114 ổ dịch (chiếm 45%) đang hoạt động.
Tại Thạch Thất, 2 xã có ổ dịch phức tạp, kéo dài, ghi nhận nhiều bệnh nhân là Phùng Xá (thôn Vĩnh Lộc và thôn Bùng) và Hữu Bằng (thôn Sen và thôn Bàn). Đây là các làng nghề và người dân chưa quan tâm đến công tác diệt bọ gậy chủ động phòng sốt xuất huyết.
Tại quận Bắc Từ Liêm tập trung nhiều trường học, nhiều nhà trọ, sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh lân cận về Hà Nội nhập học khiến cho công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Ngành y tế nhận định, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do số mắc theo tuần tăng nhanh trong 4 tuần gần đây và sớm hơn so với cùng kỳ các năm trước khoảng 1,5 tháng.
Sốt xuất huyết phá vỡ quy luật, Hà Nội dịch "nóng" nhất miền Bắc
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết mỗi năm lại có khó khăn riêng do các chủng gây bệnh biến đổi.
Dự báo tình hình dịch, theo ông Tuấn, những năm trước năm 2010, sốt xuất huyết có chu kỳ 5 năm/lần, nhưng kể từ sau năm 2010, sốt xuất huyết không còn quy luật rõ ràng.
"Hà Nội đang là trọng điểm về sốt xuất huyết của miền Bắc, với số ca bệnh chiếm 80-85%", Phó Giám đốc CDC Hà Nội khẳng định.
Thời tiết nắng, mưa thất thường, cộng thêm hiện tượng El nino là một trong số những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết trở nên phức tạp. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, sẽ gia tăng hơn nữa các ca bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới.
Dự báo đỉnh dịch năm 2023 có thể rơi vào khoảng tháng 9-10 tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân như năm 2015 (15.412 ca); năm 2019 (12.255 ca); năm 2022 (19.771 ca).
Thêm vào đó, điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển muỗi truyền bệnh, kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận định, trước đây, đúng là dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ.
Điều này có thể thấy rõ trong diễn biến dịch sốt xuất huyết của năm trước và 6 tháng đầu năm nay.
"Dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc dịch tăng mạnh", TS Dũng nhấn mạnh.
Như vậy, theo chuyên gia này, có thể thấy diễn biến dịch sốt xuất huyết bây giờ diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào cả.
Cũng theo TS Dũng, miền Bắc năm nay nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện rất tốt cho muỗi phát triển.
Kiểu thời tiết này khiến chu kỳ của muỗi rút ngắn. Thời gian từ trứng đến trưởng thành sẽ rút ngắn lại, khoảng 7-9 ngày. Khi vòng đời ngắn lại thì khả năng sinh sản sẽ nhiều hơn, tăng mật độ tiếp xúc với con người. Chỉ cần nguồn bệnh là sẽ bùng phát.
Nguy hiểm tính mạng nếu chủ quan với sốt xuất huyết
Anh Phương (tên nhân vật đã được thay đổi), 41 tuổi, sống tại Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội được đưa vào viện trong tình trạng đau đầu dữ dội.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Khu vực gia đình anh Phương sinh sống hiện là một trong những ổ dịch sốt xuất huyết lớn của Hà Nội.
Đã phát hiện triệu chứng sốt xuất huyết từ trước thời điểm nhập viện 4 ngày nhưng anh Phương chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà. "Tôi cảm thấy đau đầu và mệt mỏi nhưng lại cho rằng chưa cần nhập viện", bệnh nhân chia sẻ.
Sau thời gian tự điều trị, thể trạng người đàn ông này không có dấu hiệu cải thiện. Ngược lại, anh bắt đầu bị chảy máu cam và chảy máu chân răng. Ngay trong buổi sáng, anh Phương được người nhà đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.
"Tôi đến bệnh viện làm xét nghiệm và được các bác sĩ yêu cầu ở lại viện để theo dõi, điều trị ngay", anh Phương cho biết.
Mỗi ngày, nhìn 2 bịch máu được truyền vào cơ thể, anh Phương lặng người: "Ban đầu, tôi nghĩ sốt xuất huyết không có gì đáng lo ngại. Bây giờ, tôi cảm thấy nó thật kinh khủng".
Theo thống kê, số bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue hiện tại đang điều trị các bệnh viện là 776 người.
Các bệnh viện có nhiều bệnh nhân điều trị là Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (100 bệnh nhân), Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội (79 bệnh nhân), Bệnh viện Thanh Nhàn (68 bệnh nhân).
BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cảnh báo nếu người mắc sốt xuất huyết chủ quan thì tình trạng có thể trở nên rất đáng báo động.
Những biến chứng nặng có thể xảy ra khi bệnh nhân được phát hiện và điều trị muộn. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây nguy hiểm tính mạng.
Một số biến chứng do sốt xuất huyết có thể kể đến như: Tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, suy tuần hoàn do thoát huyết tương. Không chỉ vậy, lượng tiểu cầu thấp sẽ gây chảy máu dưới da, chảy máu niêm mạc. Điều này khiến bệnh nhân mất máu cấp và tổn thương các tạng.
Bên cạnh đó, BS Hưng cũng thông tin rằng, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tái mắc nhiều lần. Do đó, người đã từng mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không được chủ quan.
"Một bệnh nhân có thể mắc 2 lần trong một mùa dịch. Thậm chí, họ có thể mắc đến 2 type khác nhau", BS Hưng nhấn mạnh.
Chuyên gia này khuyến cáo, người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và hỗ trợ khi có các dấu hiệu của sốt xuất huyết. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, đau hai hốc mắt, mệt mỏi và khó chịu.
Hà Nội tổng lực chống dịch sốt xuất huyết
Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra, giám sát công tác thu dung, điều trị, đảm bảo giường bệnh để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tổng số giường kế hoạch tại các bệnh viện phục vụ cho điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là 712 giường và thực kê 1.104 giường.
Phát biểu tại buổi giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác trên người trên địa bàn thành phố, bà Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các địa phương tổng lực triển khai các phương án chống dịch.
Bà Hà đề nghị các quận, huyện, thị xã; sở, ban, ngành có liên quan rà soát toàn bộ nhiệm vụ và triển khai các phương án trong công tác phòng, chống dịch nói chung và dịch sốt xuất huyết nói riêng theo phương châm "4 tại chỗ", với các nhóm biện pháp cơ bản:
- Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân, từng hộ gia đình các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
- Thực hiện tổng vệ sinh môi trường tại từng khu dân cư, từng hộ gia đình kết hợp tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh diệt bọ gậy là biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất.
- Kiểm tra, giám sát kỹ phát hiện sớm bệnh nhân để khoanh vùng, xử lý kịp thời, dứt điểm ổ dịch, ca bệnh.
"Nếu chúng ta làm tốt công tác phòng bệnh, tuyên truyền tốt, thì sẽ giảm thiểu được số ca bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.
TS Nguyễn Văn Dũng nhận định, đối với sốt xuất huyết, vai trò của người dân là đặc biệt quan trọng.
Về cơ bản biện pháp phun xịt hóa chất chỉ có hiệu quả trong 1-2 tiếng là khuếch tán hết ra môi trường và không còn tác dụng.
Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết. Hóa chất chỉ diệt được những con trưởng thành trong thời điểm đó. Nếu bọ gậy vẫn còn lại thì chỉ vài tiếng sau sẽ nở ra và bắt đầu chu kỳ tấn công con người mới.
Để phòng chống triệt để sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là người dân cần loại trừ nơi sinh sống của bọ gậy: Vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ không cần thiết để tránh nước đọng vô tình thành ổ đẻ cho muỗi. Khi giảm mật độ muỗi, dịch sốt xuất huyết sẽ hạ nhiệt.
Việc vệ sinh, sắp xếp đồ đạc "nguy cơ" không lực lượng nào có thể làm thay người dân. Do đó, nếu người dân không chung tay phòng chống thì chúng ta không bao giờ thành công, không bao giờ đẩy lui được dịch ở các tỉnh thành.
Cần lưu ý rằng, muỗi Aedes - vector truyền bệnh - là muỗi "sang chảnh", muỗi "thành phố". Chúng không đẻ trứng ở ao tù nước đọng mà chỉ đẻ ở vùng nước sạch. Do đó, những vật dụng của người dân vô tình chứa nước sạch như: nước mưa, nước điều hòa, tủ lạnh… sẽ là ổ đẻ của muỗi.
Do đó, mật độ đô thị càng đông đúc, muỗi càng phát triển. Càng nội đô thì khả năng bị sốt xuất huyết càng cao do mật độ muỗi rất cao.