Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 79 trường hợp bị bệnh tay chân miệng và trên 1.400 ca mắc sốt xuất huyết, chiếm hơn 50% ca bệnh sốt xuất huyết toàn khu vực Tây Nguyên.
Dịch sốt xuất huyết đã xảy ra ở 146/220 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai. Các địa phương có số ca mắc nhiều nhất là Đức Cơ 244 ca, Krông Pa 219 ca, Chư Prông 186 ca, thành phố Pleiku 154 ca…
Bệnh viện Nhi Gia Lai là nơi tiếp nhận và điều trị cho hầu hết các ca bệnh nặng ở trẻ em của hai loại bệnh này. Trong 6 tháng đầu năm nay, bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 200 ca bệnh sốt xuất huyết và 57 ca bệnh tay chân miệng. Hai loại bệnh này ở trẻ em trong 2 tháng trở lại đây đang có dấu hiệu gia tăng. Phần lớn các ca bệnh được gia đình đưa vào nhập viện đều trong tình trạng đã nặng.
Anh Nguyễn Văn Tiến trú tại xã Ia Kla, huyện Đức Cơ hiện đang chăm sóc cháu Nguyễn Ngọc Khánh Thy (10 tuổi), một trong những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại bệnh viện cho biết: Tuần trước, thấy cháu sốt cao, nôn ói, mệt mỏi nên đưa ra Trung tâm Y tế huyện để khám. Bác sĩ cho thuốc về nhà điều trị, theo dõi nhưng vẫn không khỏi. Đến ngày hẹn tái khám, thấy bệnh không tốt nên bác sỹ cho chuyển viện lên Bệnh viện Nhi.
Còn chị Bùi Thị Kim Oanh trú tại thành phố Pleiku, mẹ cháu Tô Ngọc Vân Hà (4 tuổi), một trong những bệnh nhân tay chân miệng nặng đang điều trị tại bệnh viện chia sẻ: Biểu hiện ban đầu của cháu chỉ sốt nhẹ, lở miệng và sau đó xuất hiện các nốt đỏ ở tay, chân. Gia đình đã mua thuốc cho cháu uống nhưng đến tối, bệnh trở nặng kèm theo tình trạng khi ngủ bị giật mình, chân tay run nên gia đình lập tức đưa cháu vào nhập viện cấp cứu. Các bác sỹ chẩn đoán bệnh đã chuyển biến nặng và được đưa vào khoa điều trị tích cực.
Theo BSCKI. Hoàng Ngọc Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cho rằng, hai loại bệnh này có tính chất là gây nguy hiểm đến tính mạng. Sốt xuất huyết gây sốc, giảm thể tích tuần hoàn do thoát dịch huyết tương, gây suy đa cơ quan khiến bệnh nhân tử vong. Đối với bệnh tay chân miệng sẽ gây biến chứng thần kinh, biến chứng hô hấp tuần hoàn dẫn đến tử vong. Do đó, để tránh tử vong do 2 loại bệnh này gây ra, có phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, bác sỹ luôn cập nhật thường xuyên thông tin mới về hai loại bệnh này từ tuyến trên, đặc biệt là về chủng loại thuốc, phác đồ, phương pháp điều trị. Hiện thuốc điều trị cho bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tại bệnh viện tương đối đầy đủ.
Theo nhận định của ngành Y tế Gia Lai, nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng các ca bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng thời gian qua là do thời tiết mưa nắng đan xen, thay đổi bất thường tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Đồng, nhận định, qua nắm bắt tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Đơn vị đã báo cáo Sở Y tế và tiến hành thành lập đoàn công tác về các địa phương chỉ đạo quyết liệt hoạt động phòng - chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; củng cố tổ y tế xã; tiến hành xử lý diệt lăng quăng, bọ gậy; khám, điều trị kịp thời.
Ngành Y tế Gia Lai khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống xung quanh nhà. Sử dụng các loại thuốc diệt muỗi, côn trùng có hiệu quả, an toàn cho sức khỏe. Khi có biểu hiện sốt cao, nôn ói, chóng mặt, sụt giảm tiểu cầu hoặc xuất hiện các nốt đỏ ở da hoặc niêm mạc miệng, nên sớm đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất, không tự ý sử dụng thuốc hoặc chữa trị bằng các phương pháp thiếu khoa học…